Nghi thức cưới trong nhà thờ đòi hỏi phải có sự nghiêm trang tuyệt đối và phải làm theo trình tự của nhà thờ. Chính vì thế mọi khâu đều được lên kế hoạch, chuẩn bị chỉnh chu nhất. Trình tự nghi thức lễ cưới nhà thờ dưới đây sẽ giúp bạn chuẩn bị cho một lễ cưới diễn ra long trọng và hoàn hảo nhất.
1. Ra mắt gia đình hai bên và trình diện cùng cha quản xứ bên nữ
Để diễn ra đám cưới theo kế hoạch như mong muốn, hai bạn cần chuẩn bị trước và tìm hiểu trước những nghi thức. Trong đám cưới của người Công Giáo thì nghi thức lễ cưới nhà thờ được diễn ra đầu tiên và quan trọng nhất. Hai bạn yêu nhau công khai, xúc tiến đến hôn nhân và ra mắt cùng hai bên gia đình, trong ngày ra mắt đó nên cùng nhau đến Cha quản xứ hiện tại của nơi bạn ở để cùng trình diện, để có thể nghe được lời tư vấn của Cha về các công đoạn chuẩn bị. Cũng như chọn học giáo lý ở quê, hay đi làm xa thì xin giấy ủy quyền để đến nơi thuận tiện cho hai bạn học giáo lý hôn nhân. Thời gian học lấy chứng chỉ có thể từ 3 đến 6 tháng nên chuẩn bị trước để không bị gấp gáp.
2. Nhận lịch học hôn nhân và lấy chứng chỉ giáo lý hôn nhân
Sau khi xin được lịch học thì hai bạn cần học một cách nghiêm túc để lấy được chứng chỉ giáo lý hôn nhân. Giáo lý hôn nhân giúp cho hai bạn chuẩn bị về tâm lý cũng như sinh lý khi về chung sống cùng với nhau.
Khi hai bạn đều cùng là người có Đạo thì mọi việc suôn sẻ và đơn giản hơn, còn nếu một trong hai người không phải cùng người có Đạo thì càng báo sớm càng tốt vì người không có Đạo cần thêm một vài nghi thức khác nữa.
Sau khi đôi uyên ương hoàn thành xong khóa học và quyết tâm tiến tới hôn nhân thì cha xứ sẽ làm lời rao phối. Rao phối được thực hiện trong 3 ngày chủ nhật ở giáo xứ cả 2 bên. Nghi thức này có ý nghĩa thông báo đến cho mọi người biết về hôn phối sẽ được diễn ra giữa 2 người, để đến chia vui với cặp đôi. Đồng thời trong thời gian này nếu như có ý kiến hay ngăn trở nào phản đối thì cha xứ sẽ xem xét.
3. Chọn ngày làm lễ cho phù hợp
Chọn ngày tốt cho Thánh lễ hôn phối sẽ do Cha xứ chọn, chiếu theo lịch Công giáo. Tuy nhiên, trước khi gặp cha xứ để xin ngày tổ chức hôn phối thì gia đình cần phải định xong thời gian tổ chức lễ vu quy, lễ thành hôn. Điều này sẽ giúp gia đình 2 bên chủ động được trong việc chuẩn bị các khâu, để mọi thứ được chu toàn nhất.
4. Xưng tội cho một tâm hồn trong sạch trước khi làm lễ
Một điều cực kỳ quan trọng để trước khi bắt đầu làm lễ cưới là hai bạn cần phải xưng tội, cần thật lòng xưng hết mọi tội để ngày cưới hai bạn đều sẵn sàng có tâm hồn đẹp, cùng hứa hẹn và thề nguyện trước Đấng Tín Ngưỡng và tất cả người thân tham dự lễ cưới và dành riêng cho tình yêu hai bạn.
Trước khi vào buổi lễ cô dâu và chú rể đều đã được xưng tội, vậy còn lại trong ngày lễ hai bạn phải thật thành tâm, giữ cho mình tâm hồn đẹp, cùng nhau trao lời thề trước tất cả mọi người. Hãy cùng trao nhau những câu nói thật lòng trước sự chứng giám của Thiên Chúa.
5. Nghi thức lễ cưới nhà thờ do Cha làm chủ
Nghi thức lễ cưới nhà thờ sẽ được Cha xứ chủ trì. Những trình tự bắt buộc phải có trong nghi thức bao gồm: Cô dâu – chú rể trao đổi lời thề nguyện bên nhau trọn đời, làm phép cưới trong nhà thờ, đôi uyên ương sẽ trao nhau nhẫn cưới. Sau khi thủ tục đã xong, cặp đôi sẽ ký tên vào sổ Hôn phối của nhà thờ.
Khi thực hiện các nghi thức này tại nhà thờ, tâm lý của cô dâu – chú rể thường sẽ rất hồi hộp dẫn đến việc quên, nói vấp, ngập ngừng. Tuy cô dâu – chú rể sẽ được Cha xứ tập luyện cho 1 lần trước hôn lễ nhưng bấy nhiêu đó là chưa đủ, để bạn trơn tru từng câu từng chữ. Vì thế, lời khuyên là bạn nên dành thời gian để luyện tập nhiều lần tại nhà thờ đến khi nào bản thân thấy nhuần nhuyễn hay về nhà đứng gương, đọc to, để tự tin hơn khi đứng trước đám đông.
6. Lời cảm ơn đến cha và quan khách
Cuối lễ cần soạn lời cảm ơn đến Cha chủ trì, cũng như người thân, quan khách đã góp mặt trong buổi lễ cưới trên thánh đường. Cũng như ca đoàn, ban ngành đã hỗ trợ hai bạn có một đám cưới hoàn chỉnh đến thế. Hãy dành những lời cảm ơn thật lòng đến sự đóng góp hậu cần mà họ đã dành thời gian, sức lực chuẩn bị lễ cưới cho hai bạn.
7. Chụp ảnh lưu giữ sau lễ cưới nhà thờ
Một ngày hết sức linh thiêng, quan trọng và ý nghĩa như thế này, nên chúng ta hãy cùng nhau chụp ảnh lễ cưới lưu giữ khoảnh khắc ý nghĩa cùng Cha chủ trì, người thân, anh em bạn bè. Bạn hãy thuê ekip để lưu giữ những hình ảnh ý nghĩa, thiêng liêng của hai bạn trong ngày lễ cưới cùng tất cả mọi người nữa nhé!
Bạn nên lựa chọn các nhiếp ảnh gia, thợ quay phim là người Công giáo hoặc đã có kinh nghiệm phục vụ Công giáo, để nắm được các nghi thức diễn ra trong hôn phối. Tránh trường hợp đi lại nghênh ngang, ảnh hưởng đến sự trang nghiêm trong nhà thờ.
8. Tổ chức tiệc cùng hai gia đình (nếu có)
Có thể có hoặc không, thường lễ cưới ưu tiên tổ chức thuận tiện cho nhà gái nhất, giáo Xứ của nhà gái. Và sau khi lễ xong thường mọi người quây quần bên nhau bên bữa tiệc nhỏ để chúc mừng cho lễ cưới vừa được diễn ra tốt đẹp, thắt chặt tình cảm thông gia, và cũng là để kỉ niệm.
Lưu ý khi tham dự lễ cưới nhà thờ
– Nếu được dự, vui lòng đi cùng với đoàn cho đến khi vị linh mục ra đón vào. Đừng đi vào ngồi trước. Dù điều này không bắt buộc, nhưng việc đồng hành với cặp đôi tiến vào nhà thờ thể hiện tinh thần đồng hành với cặp đôi trên chặng đường mới của cuộc đời.
– Tắt điện thoại hoặc tắt hẳn chuông. Có việc vui lòng ra ngoài nghe vì nhà thờ là nơi tôn nghiêm. Không làm ảnh hưởng người khác vì công việc của bạn.
– Nếu có con nhỏ nên đứng ngoài hoặc ngồi gần cửa đề phòng cháu nhỏ mất trật tự.
– Quần áo chỉnh tề, nghiêm túc. Không ai cấm bạn đẹp hơn cặp đôi nhưng cần bạn tôn trọng họ. Cùng lập 1 gia đình là sự dũng cảm và nghị lực, hãy tôn trọng ngày này của các cặp đôi.
– Giữ im lặng khi tham dự. Nếu ngoại đạo thì bạn có thể chỉ ngồi và đứng khi mọi người cùng làm vậy. Các lời đáp bạn không cần phải biết, vì đó chỉ dành cho người có đạo.
– Tuyệt đối không lên lấy bánh màu trắng về chơi. Đó là bánh mang ý nghĩa thiêng liêng, biểu tượng cho đấng tối cao ở trần gian. Bạn không thích người đạo Chúa mang tượng Phật về nhà rồi vứt 1 xó nào đó, thì với bánh thánh cũng như thế. Hãy tôn trọng biểu tượng tôn giáo của nhau.
Trên đây là những công việc cần chuẩn bị và nghi thức lễ cưới nhà thờ mà Kim Ngọc Thủy muốn chia sẻ. Những công đoạn hay nghi thức sẽ có sự điều chỉnh khác nhau một tí tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi một cặp đôi cũng như sự linh hoạt khác của Cha Quản xứ. Trong quá trình chuẩn bị đôi bạn cần hỏi ý kiến gia đình cũng như lời khuyên của Cha để có một lễ cưới nhà thờ long trọng, thiêng liêng, ý nghĩa nhất.