Nói đến cưới hỏi chắc chắn ai cũng sẽ nghĩ đến hình ảnh chủ rể nắm tay cô dâu vào lễ đường nhưng đối với Việt Nam – một nước với 54 dân tộc khác nhau thì phong tục cưới hỏi cũng vô cùng đa dạng. Vậy những phong tục cưới hỏi “kỳ lạ” ở Việt Nam là những phong tục nào? Hãy cùng Kim Ngọc Thủy tìm hiểu nhé!
Tục rước dâu ban đêm của người Thái ở Nghệ An
Người Thái ở bản Cò Phạt, xã Môn Sơn (Con Cuông, Nghệ An) thường rước dâu vào lúc 0h. Họ cho rằng ban ngày có nhiều linh hồn, quỷ dữ lang thang, nếu đám rước tiến hành ban ngày thì những linh hồn sẽ theo về phá hạnh phúc của đôi trẻ. Thời khắc chuyển giao giữa ngày cũ và mới chính là lúc trong lành, có nhiều lộc trời nhất, là lúc thích hợp để đón cô dâu về nhà.
Đúng 22h đêm, đoàn rước nhà chú rể bắt đầu lên đường. Ngoài lễ vật thì nhà trai phải chuẩn bị một cái chiêng để vừa đi vừa gõ, xua đuổi tà ma và thông báo cho cả làng biết người con gái trở thành con nhà mình.
Khi đến nơi, cổng nhà gái đóng kín. Cô dâu đứng trong hát “Cổng nhà tôi then nào cũng dài/ Đố anh biết cái này gỗ chắc?”. Chú rể buộc phải vượt qua thử thách màn hát đối đáp giao duyên thì mới được mở cổng cho vào.
Bước vào sân, chú rể bị người nhà cô dâu té cả xô nước vào người. Đây là tục lệ “rửa tội” và cũng để thử thách lòng kiên nhẫn của chàng trai. Qua được màn này, chú rể bước lên nhà và tiếp tục vượt qua các vòng hát đối đáp khi người nhà cô dâu mời ngồi, mời trầu. Nội dung màn hát kể những gian lao, vất vả của hai họ khi nuôi nấng cô dâu, chú rể trưởng thành khiến cuộc rước dâu thêm tưng bừng. Người Thái hay hát đối đáp nhằm kéo dài thời gian, chờ thời khắc để rước dâu và cũng là giữ gìn phong tục của người xưa.
Thời khắc rước dâu đã điểm, cô dâu bước ra khỏi nhà. Về đến nhà chú rể, cô sẽ được mẹ chồng chờ sẵn với chậu đồng đựng nước suối trong, có ngâm đồng xu bạc. Bà sẽ rửa chân cho con dâu vào nhà và trao vòng bạc may mắn. Sau đó, đôi trẻ trao vòng cưới và thề hẹn thủy chung suốt đời.
Điều đặc biệt trong đám cưới nơi đây, dù lấy chồng gần hay xa thì cô dâu cũng phải đi bộ. Đôi trẻ dẫn đầu, đoàn người cứ thế đi trong sương lạnh nhưng ấm tình người.
Tục lệ “ngủ thử” của trai Mường
Đây là phong tục lâu đời của người Mường. Theo đó, những chàng trai đến tuổi trưởng thành được phép tới “ngủ thăm” nhà cô gái mà họ ưng. Các cô gái tối đến thường đốt một ngọn đèn, coi như “tín hiệu” để các chàng trai tìm đến “ngủ thăm”. Nếu đèn trong buồng cô gái còn sáng, nghĩa là chưa có ai đến “ngủ thăm”, chàng trai phải tự cạy cửa để vào nhà.
Sau 5 lần tới “ngủ thăm”, nếu cả 2 đều ưng nhau thì chàng trai sẽ cùng gia đình tới nhà gái để xin đám cưới. Trong những lần “ngủ thăm” này, hai người chỉ được phép trò chuyện, tâm sự mà không được động chạm vào người nhau. Phong tục này cho đến nay vẫn được duy trì ở một số nơi.
-> Xem thêm: Phong tục tặng trang sức cưới cho cô dâu trong ngày cưới
-> Xem thêm: Thủ tục cưới lại lần 2 là gì, bạn đã biết chưa?
Tục bắt chồng ở Tây Nguyên
Nghe thì có vẻ rất kì lạ, nhưng đây lại là tục lệ rất quen thuộc trong các đám cưới của người dân Tây Nguyên tại các vùng Cơ ho, Cil, Chu ru,… Lễ hội bắt chồng thường được tổ chức vào khoảng thời gian từ ngày mùng 1 Tết cho đến hết tháng 3.
Theo quy định của những vùng này, thì ban đêm chính là thời gian tổ chức bắt chồng, và đương nhiên, các cô gái sẽ là người chủ động đi tìm kiếm chú rể của mình. Khi đã tìm được người con trai ưng ý rồi, cô gái sẽ thông báo với gia đình, sau đó, chọn 1 ngày nhất định để trao nhẫn cho chú rể nếu như cả 2 bên gia đình có sự đồng ý. Tuy nhiên, người con trai có thể trả lại chiếc nhẫn cho người con gái đó nếu như không đồng ý. Nhưng, trả lại nhẫn không phải là kết thúc, mà sau 7 ngày, cô gái sẽ lại tiếp tục đến trao nhẫn cho chàng trai, cứ như thế lặp lại cho đến khi nào chàng trai này đồng ý thì mới thôi.
Đám cưới sẽ được tổ chức ngay sau khi người con trai đồng ý, và sẽ có một đêm hội bắt chồng ngay trước khi tổ chức đám cưới 1 ngày. Trong đêm này, cả cô dâu và chú rể sẽ đọc những luật lệ riêng của đồng bào mình. Trong ngày cưới, cả 2 sẽ đeo lại nhẫn vào tay mình, sau đó 7 ngày, cô dâu sẽ tháo nhẫn đưa cho mẹ chồng, còn chú rể sẽ tháo nhẫn đưa cho mẹ vợ.
Tục vỗ mông chọn vợ của người Hà Giang
Theo phong tục của người Mông, Hà Giang, giai đoạn phiên chợ cuối năm là dịp tốt nhất để trai gái tìm thấy nhau. Ngoài tập tục chặn đường cướp cô dâu nổi tiếng, ở đây còn có tập tục “vỗ mông” để chọn bạn đời.
Sáng đầu năm, nam thanh nữ tú nhất loại về tụ tập ở khoảng sân diễn tục chơi “ú tim”. Sau những chén rượu chúc tụng cho một nǎm mới tốt lành, họ đưa mắt tìm bạn đời. Nếu ưng thuận nhau cô gái sẽ bỏ chạy và nhiệm vụ của chàng trai là đuổi theo. Điều kiện là cả 2 người đều phải chạy hết sức mình. Nếu chàng trai đuổi kịp cô gái và đưa bàn tay vỗ vào mông cô thì đồng nghĩa với việc cô gái này sắp trở thành vợ.
Thực ra, không phải vô tình mà trai gái Mông tìm được nhau và thực hiện tục lệ trên. Những người tham gia tục lệ này thường có sự tìm hiểu từ trước và ưng thuận nhau. Vỗ mông chỉ là cái cớ để hai người gặp lại, chàng trai có dịp thể hiện tình cảm lẫn bản lĩnh của mình trước mặt cô gái và những người xung quanh.
Tục lệ ở rể 3 năm mới được cưới của người Thái
Với những chàng trai dân tộc Thái, để cưới được vợ, họ phải trải qua một quá trình thử thách rất dài. Thường khi ưng cô nào, chàng trai sẽ thưa với cha mẹ để lo chuyện cưới hỏi. Trước đây, chàng trai phải đến ở nhà gái trong 3 tháng, sống trong gian dành cho khách và chỉ được phép mang một con dao để làm việc.
Hết thời gian đó, nếu được bố mẹ cô gái đồng ý, chàng trai sẽ trở về báo cho cha mẹ mình biết. Lúc này, chàng trai mới được mang hành lý tư trang đến nhà gái và ở đó suốt 3 năm.
Sau 3 năm ở rể, lễ thành hôn mới chính thức được tiến hành. Trường hợp cô gái không đồng ý việc cưới hỏi này sẽ tự cắt tóc mình. Sau lễ cưới, chú rể tiếp tục ở nhà gái từ một đến mười năm và chỉ được phép đưa vợ về nhà mình sau một nghi lễ đưa dâu long trọng.
Phong tục cưới hỏi luôn là điều mà các cặp đôi quan tâm và ở từng phong tục cưới hỏi ta thấy từng màu sắc dân tộc thể hiện rõ nét. Vì vậy, bài viết trên là một trong những phong tục cưới hỏi “kỳ lạ” nhất Việt Nam. Kim Ngọc Thủy mong rằng sẽ giúp mọi người hiểu thêm về những nền văn hóa đặc biệt của nước nhà.