Khi yêu nhau ai cũng muốn chuyện tình đến một cái kết đẹp là tới đầu bạc răng long. Nhưng để muốn có một cuộc hôn nhân ít mâu thuẫn thì các cặp đôi nên có những điều cần thống nhất với nhau. Hãy đến bài này của Kim Ngọc Thủy để biết những điều gì nên phải thống nhất trước khi kết hôn nhé!
Tài chính
Có thể nói, chuyện tiền bạc, tài chính là đề tài rất quan trọng mà hai người không thể bỏ qua trước khi kết hôn. Theo đó, trước khi về chung một nhà, hai người cần phải thẳng thắn chia sẻ rõ ràng với nhau những vấn đề cụ thể như: ai là người nắm giữ “tay hòm chìa khóa” trong nhà; ai là người chịu trách nhiệm chính khi chi tiêu…
Tuy vậy, theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất là hai người phải lập kế hoạch xử lý vấn đề tài chính mà cả hai vợ chồng sẽ kiếm được trong tương lai, sau khi đã kết hôn. Ngoài tài khoản dùng chung mà cả hai người cùng đóng góp vào mỗi tháng thì mỗi người có thể có tiền tích lũy riêng. Cụ thể hơn, số tiền tích lũy bao nhiêu mỗi tháng còn tùy thuộc vào thu nhập của hai người, nhưng không vì thế mà không chia sẻ thẳng thắn với nhau.
Con cái
Nên bàn luận trước với nhau về việc có con hay không, nếu có thì vào thời điểm nào. Bởi thực tế cho thấy mâu thuẫn trong chuyện có con hay không đã khiến nhiều cặp đôi phải chia tay trong tiếc nuối. Nếu bạn nghĩ rằng cưới xong rồi sẽ từ từ thuyết phục chồng/vợ của bạn về chuyện này thì đây là một suy nghĩ sai.
Vẫn có những cặp vợ chồng có con cho dù một trong hai người không muốn, nhưng như thế là bất công đối với con trẻ cũng như với chính cuộc hôn nhân của hai người.
Sống chung, sống riêng
Việc sống chung với gia đình chồng hay sống riêng là việc cực kỳ quan trọng nên nhất định trước khi kết hôn hai vợ chồng phải thống nhất rõ ràng. Nhiều cặp không sống được với nhau cũng vì mâu thuẫn với nhà chồng trong quá trình chung sống chung, đặc biệt nếu sống chung 1 đại gia đình có cả anh chị em chồng thì lại càng dễ nảy sinh mâu thuẫn hơn. Nên các bạn trẻ phải luôn cân nhắc vấn đề này để giữ gìn mối quan hệ tốt với gia đình.
Những khoản nợ tiền hôn nhân
Đây cũng là vấn đến mà cả hai cần thẳng thắn chia sẻ với nhau trước khi kết hôn. Hãy “khai” ra những khoản nợ tiền hôn nhân (nếu có) với nửa kia một cách chân thành. Bởi nếu trao đổi chân thành sẽ giúp cả hai người vừa dễ tìm ra được phương hướng giải quyết chung vừa tránh mâu thuẫn xảy ra.
Tất nhiên, ai trong chúng ta cũng đều không muốn phải bất ngờ bị gánh một khoản nợ “từ trên trời rơi xuống”, dù đó là của người chồng/vợ mà mình vừa mới đồng ý kết hôn. Thậm chí, khi ấy, nhiều người còn có cảm giác rằng mình như vừa bị chồng/vợ phản bội (kết hôn rồi mới được biết người kia đang mang nợ). Và điều này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sự tin tưởng mà hai người dành cho nhau trong cuộc sống về sau.
Tình dục và sự chung thủy
Vấn đề này khá nhạy cảm khi mở lời, nhưng nó cũng cực kỳ quan trọng. Vì vậy, không có lý do gì bạn lại chỉ ngồi “suy diễn và phỏng đoán” về sức khỏe tình dục của hai bạn. Nếu bạn hoặc đối phương đang có vấn đề rắc rối về mặt tình dục, bạn không nên kết hôn cho tới khi vấn đề được giải quyết. Ngoài ra, sự khác biệt trong thói quen, sở thích hay khao khát “chuyện chăn gối” cũng như mọi vấn đề có liên quan, có thể chia rẽ hai bạn.
Bên cạnh đó, hai bạn cũng nên đặt câu hỏi về sự thủy chung. Có một số người chấp nhận chuyện vợ hoặc chồng của mình có nhân tình bên ngoài, tuy nhiên hầu hết đều muốn mình là duy nhất đối với người ấy. Nếu người yêu của bạn có quan điểm khác bạn về chuyện như thế nào gọi là chung thủy thì hai bạn hãy khoan nghĩ tới hôn nhân, cho tới khi vấn đề này được thảo luận và thống nhất.
Trách nhiệm với hai bên nội ngoại
Cả hai vợ chồng cũng cần thống nhất xem mỗi tháng trích bao nhiêu phần trăm tiền lương để chăm lo cho bố mẹ, ông bà, anh chị em nội ngoại. Bởi dạo gần đây nổi lên nhiều trường hợp trách nhiệm hai bên nội ngoại không được công bằng, người vợ dùng tiền chăm sóc cho bên ngoại thì bị nhà chồng chỉ trích. Thực ra những vấn đề như vậy cần phải được thống nhất rõ ràng và chia sẻ khéo với bố mẹ hai bên để tránh trường hợp bức xúc và tranh cãi về sau.
-> Xem thêm: Có nên kết hôn khi dính năm phạm thái tuế
-> Xem thêm: Hướng dẫn những cách đăng ký kết hôn tại Việt Nam
Chuyện quá khứ
Một trong hai bạn có một vài vấn đề trong quá khứ như đã từng kết hôn trước đó, hay đã có một vài sai lầm trong quá khứ …nên nói rõ với nhau trước khi kết hôn. Hãy hỏi rõ đối phương rằng quá khứ của mình có làm người ấy bận lòng hay không? Nên nói rõ tất cả mọi chuyện trước khi hai bạn kết hôn và nên thống nhất không nhắc lại chuyện đó thêm một lần nào nữa.
Chia sẻ công việc nhà
Các nàng nên trao đổi thật kỹ về việc ai sẽ là người nấu ăn, làm việc nhà, chăm con vì nó sẽ diễn ra hằng ngày, nếu bản thân không hài lòng thì sẽ ức chế, tủi thân và dễ dẫn đến cãi nhau. Thực ra các bạn nam bây giờ rất ga lăng và thấu hiểu cho phụ nữ nên rất nhiều bạn sẵn sàng chia sẻ công việc nhà với vợ mình. Nếu vợ nấu cơm thì chồng rửa bát, vợ lau nhà thì chồng giặt đồ. Việc chia sẻ công việc nhà như vậy sẽ giúp cả hai có thời gian bên cạnh nhau và hiểu về nhau hơn.
Các mối quan hệ khác ngoài hôn nhân
Vấn đề này có lẽ không quá xa lạ nhưng lại là nguyên nhân thường dẫn đến cãi nhau của các cặp vợ chồng. Người vợ có thể chấp nhận chồng đi nhậu hay đi chơi với bạn bè, đối tác đến tận khuya không? Nếu có thì bao nhiêu lần 1 tuần là chấp nhận được? Chồng/vợ có thể có bạn bè là người khác phái không? Nên đối xử với người yêu cũ như thế nào? Vợ có được thoải mái đi chơi với bạn bè không? Hầu như các bạn nữ bây giờ đều không thích cuộc sống tù túng, sau kết hôn chỉ có ở nhà chăm sóc gia đình mà không được gặp gỡ bạn bè. Thực ra để cả hai có thể luôn vui vẻ bên nhau thì cũng nên giành cho nhau những không gian riêng, những mối quan hệ riêng, miễn là những mối quan hệ đó trong sáng, không ảnh hưởng đến tình cảm gia đình là được.
Trên đây là một vài điều cần thiết mà các cặp đôi nên thống nhất trước khi kết hôn để có hôn nhân ít mâu thuẫn. Kim Ngọc Thủy chúc các cặp đôi sẽ luôn hạnh phúc với nửa kia của mình.