“Cửa sinh là cửa tử” – câu nói dân gian mà các mẹ sắp vượt cạn chắc chắn đã từng nghe qua ít nhất một lần. Nhưng “cửa tử” này không phải chỉ xảy ra lúc sinh con mà còn là chuyện hậu sinh sản. Vì các mẹ bỉm sữa rất dễ bị chứng trầm cảm sau sinh dẫn đến những điều không mong muốn. Vậy chứng trầm cảm sau sinh là gì? Hãy đến bài viết này của Kim Ngọc Thủy nhé!
Trầm cảm sau sinh là gì?
Đây là một rối loạn tâm trạng cực đoan liên quan đến suy nghĩ và cảm xúc của phụ nữ sau sinh. Người bị trầm cảm thường có những cảm giác buồn bã, trống rỗng, mệt mỏi, lo lắng, lo sợ con mình bị hại hay bản thân mình có thể sẽ làm hại em bé. Những cảm giác này có thể từ nhẹ diễn tiến đến nặng. Đôi khi nó phát triển thành hành vi cực đoan gây hại cho chính bản thân người mẹ và con của họ.
Triệu chứng nhận biết trầm cảm sau sinh
Để có biện pháp khắc phục trầm cảm sau sinh hiệu quả, người mẹ cần nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh. Sau khi sinh con, phụ nữ cần đặc biệt lưu ý nếu thấy xuất hiện những triệu chứng như:
– Buồn chán, vô vọng, trống rỗng, luôn cảm thấy áp lực về mọi thứ mà không biết nguyên nhân do đâu.
– Sợ hãi, lo âu.
– Dễ cáu gắt, bồn chồn, phiền muộn.
– Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, dễ tỉnh giấc khi đang ngủ, ngủ không sâu giấc.
– Dễ giận dữ, nóng nảy, mất kiểm soát.
– Không thể tập trung và khó đưa ra quyết định.
– Không còn những sở thích như ngày xưa, bỏ bê bản thân.
– Thường xuyên đau đầu, đau dạ dày, mệt mỏi, đau nhức cơ, tinh thần sa sút.
– Ăn rất ít hoặc ăn nhiều bất thường.
– Xa lánh, ngại tiếp xúc với người thân, bạn bè.
– Không muốn gần gũi, tiếp xúc với con.
– Xuất hiện suy nghĩ không đủ khả năng làm mẹ, không thể che chở, nuôi dưỡng và bảo vệ con.
– Thường xuất hiện những suy nghĩ tự làm hại đến bản thân và con.
Những triệu chứng của trầm cảm sau sinh thường dễ bị bỏ qua do tâm lý chủ quan, coi thường. Do đó, bản thân và gia đình cần chú ý quan sát nhận biết các triệu chứng để có cách vượt qua trầm cảm sau sinh hiệu quả.
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh
Hiện nay, khoa học vẫn chưa kết luận được nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau khi sinh con ở phụ nữ, do phụ thuộc vào thể chất, tinh thần và hoàn cảnh của mỗi sản phụ. Tuy nhiên, có thể kết luận một số nhóm nguyên nhân thường gặp nhất là: thay đổi nội tiết tố, tiền sử rối loạn tâm lý, cảm xúc, yếu tố đời sống…
– Thay đổi nội tiết tố: Khi phụ nữ mang thai nồng độ nội tiết tố nữ estrogen và progesterone tăng cao. Sau khi sinh con, nồng độ hormone nhanh chóng sụt giảm xuống mức bình thường. Các nghiên cứu chỉ ra, sự thay đổi đột ngột này có thể dẫn đến trầm cảm cho phụ nữ mang thai và sau sinh.
– Tiền sử rối loạn tâm lý: Rối loạn tâm lý, trầm cảm có thể tái phát vì thế đối với phụ nữ từng có có tiền sử trầm cảm trước hoặc trong khi mang thai thì sẽ có nguy cơ cao trầm cảm sau sinh.
– Sức khỏe giảm sút: Những phụ nữ sau sinh có thể trạng yếu, bị đau trong quá trình sinh nở thường tác động tâm trạng phụ nữ. Cơn đau kéo dài, cộng với việc chăm con mới sinh vất vả nảy sinh tâm lý bực bội, cáu gắt, gia tăng cảm giác chán ghét bản thân và cả em bé.
– Yếu tố kinh tế, đời sống: Các yếu tố kinh tế, đời sống ảnh hưởng đến tâm lý phụ nữ sau sinh. Điều kiện kinh tế khó khăn, hoàn cảnh sống chật chội đông đúc, thiếu quan tâm chia sẻ từ chồng và người thân, áp lực với các hủ tục sau sinh, mâu thuẫn trong các quan niệm chăm nuôi con nhỏ giữa các thế hệ sẽ làm gia tăng cảm xúc tiêu cực từ phụ nữ dẫn đến trầm cảm.
Các biện pháp khắc phục trầm cảm sau sinh
Nhận thức về chứng trầm cảm này rất quan trọng để có thể phòng tránh và điều trị bệnh hiệu quả. Phát hiện bệnh sớm sẽ giúp người bệnh có cách vượt qua trầm cảm sau sinh tốt. Đặc biệt, lúc này người bệnh rất cần sự quan tâm từ người chồng, bạn bè và gia đình. Khi nhận thấy các triệu chứng kéo dài quá 1 tuần, hãy nhờ đến sự can thiệp của bác sĩ. Dưới đây là một số cách vượt qua trầm cảm sau sinh hiệu quả mà bà mẹ cần lưu ý:
Điều trị bằng thuốc
Nếu đang nghĩ rằng bản thân đang mắc chứng trầm cảm sau sinh cần đi thăm khám càng sớm càng tốt. Trường hợp không thể đến bệnh viện, có thể mời bác sĩ đến điều trị tại nhà. Để có cách khắc phục trầm cảm sau sinh hiệu quả nhất, người mẹ cần thông báo đầy đủ và chính xác những triệu chứng của bệnh. Tùy vào tình trạng bệnh cụ thể bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm phù hợp.
Khi sử dụng thuốc chống trầm cảm, phụ nữ có thể xuất hiện những tác dụng phụ như buồn ngủ, khô miệng. Nếu đã dùng thuốc theo đúng chỉ định mà không thấy hiệu quả hoặc các triệu chứng bệnh nặng hơn, cần thông báo với bác sĩ để được tăng liều lượng hoặc đổi loại thuốc khác.
-> Xem thêm: Bà bầu có nên đi đám cưới không – Kiêng kỵ gì không?
-> Xem thêm: Cách chọn áo dài cưới cô dâu bầu che bụng hiệu quả
Bác sĩ điều trị
Bác sĩ chủ trị thường nói chuyện với người mẹ về những cảm xúc, suy nghĩ và sức khỏe để phân biệt giữa trường hợp buồn bã ngắn hạn sau sinh và bệnh trầm cảm.
Để đánh giá tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ có thể:
– Yêu cầu bạn trả lời bộ câu hỏi sàng lọc về trầm cảm
– Xét nghiệm máu để xác định xem sự hoạt động của tuyến giáp
– Các xét nghiệm khác giúp loại trừ các nguyên nhân khác
Bác sĩ sử dụng liệu pháp nói chuyện, hay còn gọi là tư vấn hoặc liệu pháp tâm lý nói chuyện trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa hoặc để sắp xếp để một hoặc vài bệnh nhân cùng một nhóm các phụ nữ đã từng trải qua kinh nghiệm tương tự cùng nói chuyện.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể tiếp xúc với người thân cận của bệnh nhân để nói chuyện và giúp trị liệu tại nhà.
Biện pháp tự cải thiện
Bệnh trầm cảm sau sinh xuất phát rất nhiều từ suy nghĩ tiêu cực, buồn chán, lo âu quá mức của người mẹ. Có thể cải thiện đáng kể triệu chứng bệnh bằng các biện pháp đơn giản, thay đổi lối sống như:
– Học cách thư giãn: Tâm trạng thư giãn, vui vẻ, yêu đời, thoải mái,…rất quan trọng để mẹ sau sinh vượt qua giai đoạn thay đổi khó khăn này. Hãy duy trì sở thích của bản thân với công việc nào đó để tinh thần thoải mái hơn, ngoài ra cũng nên hạn chế thức khuya, ăn uống khoa học, đủ chất để duy trì sức khỏe.
– Giải tỏa tâm lý: Chia sẻ với người bạn tin tưởng giúp giảm áp lực tâm lý và tìm ra biện pháp tốt hơn cho vấn đề trong cuộc sống. Hãy thực hiện điều này trước khi áp lực tâm lý trở nên quá lớn gây ra trầm cảm sau sinh.
– Ngủ nhiều hơn: Đa phần mẹ sau sinh trong những tháng đầu gặp phải tình trạng mất ngủ, ngủ không đủ giấc do chăm sóc con. Hãy nhờ đến sự giúp đỡ từ chồng và bố mẹ để có thời gian ngủ nhiều hơn, thay đổi sinh hoạt giờ giấc cùng con để tránh trầm cảm.
– Tập thể dục: Vận động thể chất giúp cơ thể tiết ra hormone hưng phấn, giúp tinh thần khỏe mạnh và sức khỏe cũng được cải thiện, đẩy lùi nguy cơ bệnh lý.
– Tin tưởng vào bản thân: Điều quan trọng trong khắc phục và phòng ngừa trầm cảm sau sinh là bản thân người mẹ cần nhận thức rõ về vai trò của bản thân và tin tưởng vào bản thân. Bạn có đủ khả năng nuôi con và giúp con phát triển dựa trên bản năng làm mẹ cũng như sự tìm hiểu, học tập từ phương tiện truyền thống, từ những người xung quanh. Vì thế không nên quá lo lắng hay tự trách bản thân mỗi khi con quấy khóc hay cảm ốm.
Kim Ngọc Thủy mong rằng không chỉ có những người mẹ sắp vượt cạn mà các thành viên trong gia đình hãy lưu ý những điều trên nhé