Thuở ban sơ, người ta chọn vòng tròn làm biểu tượng cho tình yêu và sự chung thủy, bởi vòng tròn có chung điểm đầu và điểm cuối. Với ý nghĩa: dù các cặp đôi có đi những hành trình dài khác nhau nhưng nếu đã thuộc về nhau thì cuối cùng họ vẫn sẽ là của nhau và hành trình mà họ trải qua chính là hành trình trong vòng tròn hạnh phúc của tình yêu.
Không ai biết hoặc dám khẳng định một cách chính xác nhẫn cuới có từ bao giờ, nhưng người ta xác định được chính người Ai Cập cổ xưa là những người đầu tiên sử dụng vòng tròn làm vật biểu trưng cho sự gắn kết của tình yêu đôi lứa. Cư dân nơi đây chọn ngón áp út trên bàn tay trái để lồng nhẫn cưới vào tay các cô gái bởi họ tin rằng đây là ngón tay duy nhất trong số mười ngón trên hai bàn tay có một mạch máu nối thẳng đến tim – huyết mạch tình yêu.
Theo một số tài liệu, việc đàn ông cũng phải đeo nhẫn cưới là một tục lệ tương đối mới. Mãi cho tới giữa thế kỷ 20, hầu như chỉ có phụ nữ mới đeo nhẫn cưới. Khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra và rất nhiều người đàn ông phải chia tay những người vợ trẻ đẹp của mình để ra chiến trường trong một thời gian dài, họ bắt đầu đeo những chiếc nhẫn cưới như biểu tượng của hôn nhân và sự gợi nhớ tới người vợ của họ. Đó là một hành động rất lãng mạn, tràn đầy tình yêu của người đàn ông có trách nhiệm, chính vì vậy nó đã tồn tại đến tận thời nay, trong đám cưới chú rể cũng được cô dâu trao lại nhẫn.
Cùng với thời gian những chiếc nhẫn được làm bằng nhiều vật liệu khác nhau, từ cỏ cây, lau sậy tới chiếc nhẫn làm bằng da, xương hoặc ngà voi. Sau này khi kim loại xuất hiện thì giá trị của nó cũng được nâng cao dần với đồng, bạc, vàng, kim cương…, người ta có thể thoải mái lựa chọn nhẫn cưới với nhiều màu sắc, chất liệu, hình dáng khác nhau.
Ngày nay nhẫn cưới đã trở thành kỉ vật tình yêu không thể thiếu trong nghi thức cử hành hôn lễ của các đôi uyên ương.