Các cặp đôi thường quyết định về chung một nhà thì luôn luôn muốn cuộc sống hôn nhân của mình ngọt ngào, hạnh phúc. Nhưng có quá nhiều chuyện để lo toan nên vô hình chung đã xuất hiện vấn đề trái ý nhau dẫn đến những cuộc cãi nhau gay gắt. Nhưng khi trường hợp đó xảy ra các cặp đôi nên làm như thế nào để không tổn thương đối phương và những người thân bên cạnh. Hãy cùng xem qua những điều không nên xảy ra khi vợ chồng cãi nhau dưới bài này của Kim Ngọc Thủy nhé!
Không nên cãi nhau trước mặt người ngoài
Dân gian có câu: “Bát đũa còn có lúc xô”. Trong cuộc sống hôn nhân đôi khi khó tránh khỏi những va chạm xô xát, vì vậy, một điều cần hết sức chú ý là vợ chồng không nên cãi nhau trước mặt người ngoài. Có nhiều vấn đề không thể giải quyết, nếu tranh cãi sẽ càng thêm dầu vào lửa làm sự việc phức tạp hơn. Con người ai cũng có lòng tự trọng, không ai muốn mất thể diện ở những nơi đông người. Khi tranh cãi trước mặt người lạ, chắc chắn không ai muốn mình bị yếu thế nên từ đó càng làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Bởi vậy, để xây dựng hạnh phúc gia đình, bạn nên giữ thể diện cho nửa kia của mình. Hãy luôn ghi nhớ: “Một điều nhịn chín điều lành”. Thái độ của bạn dành cho anh ấy (cô ấy) sẽ quyết định mức độ tôn trọng của người khác đối với người bạn đời của bạn. Nếu bạn coi thường bạn đời của mình, người khác cũng sẽ coi thường họ. Tục ngữ có câu: “Một bàn tay không thể tạo thành tiếng”. Vì vậy để làm được điều này, khi mâu thuẫn xảy ra cả vợ và chồng đều nên hướng nội xem bản thân sai sót ở đâu để nhận lỗi và khoan dung cho nhau.
Không nên nhắc lại lỗi lầm cũ của đối phương
Có những cặp vợ chồng hễ cãi nhau là lại bới móc sai sót cũ của người bạn đời, như: làm ăn thất bại hay từng có người thứ ba…, thì khi tranh cãi họ lại cố tình lấy đó làm cái cớ để chì chiết đay nghiến. Từ đó, càng làm tăng mức độ mâu thuẫn giữa hai người; và càng đẩy người bạn đời rời xa mình hơn. Khiến hôn nhân rạn nứt.
Việc đã qua thì nên cho qua, đừng vì khó chịu một việc nhỏ mà lôi ra những lỗi lầm cũ; khiến mọi việc từ chuyện nhỏ lại càng thêm phức tạp hơn. Có câu: “Vợ chồng một ngày nên nghĩa”, cho dù không còn tình cảm thì cũng còn tình nghĩa. Thế nên, là vợ chồng nên yêu thương, quan tâm, chăm sóc và nhượng bộ cho nhau thì gia đình mới có thể hòa thuận hạnh phúc bền lâu.
Không nên xúc phạm đối phương
“Trước tôi bị mù mới lấy anh/cô”. Đây gần như câu cửa miệng mỗi khi xảy ra cãi vã. Nội dung câu nói này thể hiện sự coi thường đối phương, khiến người nghe “nhức tận óc”.
Gần đây trên một diễn đàn có người vợ than rằng cô sắp ly hôn chồng. “Trưa đó do con quấy quá nên tôi quên dọn bàn ăn. Đến tối về chồng bực tức mắng tôi lười biếng”, người vợ mở đầu câu chuyện. Dù sau đó cô giải thích, nhưng người chồng vẫn mắng vợ là ăn hại, bởi cô chỉ ở nhà chăm con mà không đi làm. Người phụ nữ quá tức giận, đòi ly hôn: “Tôi trước đây thực sự bị mù mới lấy một người như anh”. Người chồng nghe thấy vậy không kém miếng, nói rằng trước đây anh ta cũng bị mù mới lấy phải cô vợ như vậy. Cuộc chiến giữa họ kết thúc khi cả hai người xác nhận, không thể sống chung nếu như hai bên liên tục công kích đối phương.
Khi cãi nhau, xúc phạm đối phương được sử dụng như một công cụ trút bỏ sự bất mãn để dành lấy ưu thế. Những lời này sẽ chỉ phá hủy lòng tự trọng của đối phương, đẩy mâu thuẫn lên cao trào, xảy ra nhiều việc đáng tiếc. Vì vậy, vợ chồng thật sự đừng làm tổn thương nhau.
Không kéo cha mẹ và người thân của nhau vào cuộc cãi vã
Khi vợ chồng bất hòa tranh cãi thì đừng để cha mẹ hay người nhà của vợ/chồng chịu vạ lây. Cho dù xảy ra bất kể chuyện gì thì đây chỉ là chuyện của hai vợ chồng. Hai người tự giải quyết; dù có tranh cãi nhưng tuyệt đối không được nhục mạ bạn đời; và càng không nên liên lụy tới cha mẹ hai bên. Bởi nhục mạ gia đình chồng (vợ) là điều bất kính nghiêm trọng nhất và tuyệt đối không được phạm.
Vợ chồng cãi nhau là việc không thể tránh khỏi trong quá trình chung sống; bởi vậy đừng quá đặt nặng nó trong tâm và cũng không nên để cha mẹ biết. Chỉ cần thêm một chút thời gian để chia sẻ và thông cảm lẫn nhau; khi xảy ra cãi vã hãy đặt mình ở vị trí của đối phương để cảm thông bao dung và khắc chế cơn nóng giận.
Không nên cãi nhau trước mặt con cái
Vợ chồng to tiếng cần tránh cãi nhau trước mặt con cái, bởi trẻ con là vô tội, mà cãi nhau lại là việc giữa hai người. Nếu để con cái chứng kiến cảnh cha mẹ bất hòa, mức độ nhẹ sẽ để lại ám ảnh trong tâm hồn non nớt của trẻ; mức độ nặng sẽ làm ảnh hưởng tới việc học tập của con, thậm chí khi lớn lên chúng sẽ có thái độ tiêu cực về hôn nhân.
Mối quan hệ vợ chồng có tốt hay không cũng ảnh hưởng tới cảm giác yên ổn và sự hồn nhiên ngây thơ của con trẻ. Đây là điều mà bất cứ vật chất nào cũng không thay thế được. Nếu ngay cả trong mái ấm gia đình, trẻ cũng không cảm nhận được bầu không khí yêu thương, thì chính là vì cha mẹ đã vô thức làm tổn hại tới thế hệ tương lai.
Vậy mới nói, cha mẹ tốt là những người luôn biết tự lấy mình làm tấm gương mẫu mực cho con trẻ noi theo.
Không nên vô lý, lúc nào cũng cho là mình đúng
Nói chung, khi cãi nhau sẽ có đúng có sai, nhưng một số cặp đôi lại vô cùng cứng đầu, không ai chịu nhường ai một bước, hai bên cứ cãi cối cãi chày, không chịu thua, không chịu nhún nhường, cuối cùng cả hai bên đều chịu thiệt.
Phần lớn các cặp vợ chồng thích sự mềm mại hơn là cứng rắn, thích nhẹ nhàng thay vì thô lỗ. Cho nên dù lý do của bạn hợp lý đến đâu cũng đừng quá cứng đầu, thấy hợp lý thì cứ nhận, cũng đừng vô lý, như vậy chỉ khiến đối phương thêm tức giận, cái mất sẽ nhiều hơn cái được, gây lộn và bất hòa.
Không nên lấy cái chết để uy hiếp
Một số cặp vợ chồng vừa bất hòa xô xát liền mang cái chết ra để uy hiếp đối phương, như: “Tôi không muốn sống nữa”, “Tôi chết cho anh xem”… Đây là cách làm ngu ngốc nhất, vì vậy ngay cả trong lúc tức giận nhất cũng đừng nên thốt ra những lời kiểu này.
-> Xem thêm: Lấy chồng là chuyện cả đời, vậy sao phải vội vàng
-> Xem thêm: Vợ chồng muốn hạnh phúc hãy tránh xa những câu nói này
Không nên động tay chân đánh người
Khi cãi nhau hãy cố gắng khống chế thật tốt đôi tay của mình, cho dù hỏa khí có bốc lên tận đầu cũng cần lập tức khống chế và tìm cách hạ hỏa. Chỉ một cú bạt tai hay một cái tát sẽ làm tiêu tan ân tình bao nhiêu năm và mang lại ám ảnh không thể nguôi ngoai trong đầu đối phương. Động tay động chân cho dù chỉ là chạm đến da thịt nhưng tổn thương là tới tận tâm hồn. Vết thương ngoài da thịt lâu dần có thể lành nhưng những rạn nứt trong tâm thì khó có thể bù đắp lại. Bởi vậy xin bạn hãy luôn nhớ kỹ, động thủ chính là điều không nên nhất trong việc đảm bảo hạnh phúc gia đình.
Không nên bỏ đi
Vợ chồng hãy thỏa thuận với nhau một điều là dù cãi nhau đến trời long đất lở nhưng vẫn phải ở nhà. Bởi khi rời khỏi nhà với tâm trạng bực dọc, người kia rất dễ rơi vào lưới tình với người khác.
Người đàn bà khôn ngoan đừng nói những lời khiêu khích khiến chồng bỏ đi khi nóng giận. Hãy cố gắng làm dịu bầu không khí trong nhà để anh ấy dù có tức giận cũng không thể nào bỏ đi được.
Và điều quan trọng là các bạn không được thốt lên hai từ “LY HÔN”
Trên đây là một số điều các cặp đôi không nên làm khi cuộc sống hôn nhân xuất hiện những cuộc cãi vã. Kim Ngọc Thủy mong rằng bài viết là một phần nào đó giúp các cặp đôi ít làm tổn thương nửa kia và người thân xung quanh mình khi bất hòa xảy ra.