Theo văn hóa, phong tục người Việt Nam thì cưới xin là nghi lễ quan trọng nhất. Nhưng trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước ”hiện đại hóa” về mọi mặt các nghi lễ cưới truyền thống đã dần bị tinh gọn hơn so với nghi lễ cưới ngày xưa, thậm chí còn giản lược bớt những nghi thức không cần thiết. Thế nhưng, dù có tối giản đến mức nào thì những nghi lễ truyền thống đó góp phần tạo nên bản sắc văn hóa rất riêng của người Việt. Vậy một lễ cưới truyền thống của người Việt sẽ gồm những gì? Hãy cũng Nhẫn cưới Kim Ngọc Thủy (KNT) tìm hiểu nhé!
Lễ cưới truyền thống gồm những nghi lễ nào?
Nghi lễ truyền thống của Việt Nam bao gồm 5 nghi lễ: lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ xin dâu, lễ rước dâu, lại mặt. Và những nghi lễ này được chia ra thành 3 phần chính: trước đám cưới, trong đám cưới và sau đám cưới.
Vậy trước đám cưới có những nghi lễ nào?
Lễ dạm ngõ – Nghi thức quan trọng trong lễ cưới truyền thống
Chạm ngõ là nghi lễ đầu tiên trong một đám cưới truyền thống. Lễ này thực chất là buổi gặp gỡ giữa hai bên gia đình. Nhà trai xin đến nhà gái đặt vấn đề chính thức cho đôi nam nữ được tiếp tục quá trình tìm hiểu nhau một cách kỹ càng hơn trước khi đi đến quyết định hôn nhân. Vì thế, nghi lễ này được cho là quan trọng nhất trong các nghi lễ cưới truyền thống nhằm chính thức hóa quan hệ hôn nhân của của hai bạn trẻ cũng như của hai gia đình để đi tới quyết định hôn nhân. Buổi lễ này, không cần vai trò hẹn trước của người mai mối và cũng không cần lễ vật rườm rà. Sau lễ dạm ngõ, người con gái được xem như đã có nơi có chốn.
Nhưng ngày nay, lễ dạm ngõ hay còn gọi là lễ giáp lời, ngày nay không còn tổ chức phô trương như ngày xưa nữa. Thay vào đó, lễ dạm ngõ sẽ là buổi gặp gỡ, trò chuyện thân mật giữa các bậc sinh thành của cô dâu chú rể. Tại đây, hai bên sẽ xác nhận rõ mối quan hệ giữa hai bên, bàn bạc và thống nhất thời gian, địa điểm tổ chức lễ cưới.
Lễ ăn hỏi
Lễ ăn hỏi là nghi thức quan trọng thứ hai của một đám cưới sắp được diễn ra. Ngày nay, dù đám cưới hiện đại có tinh gọn và bỏ qua một số nghi thức nhưng lễ hỏi vẫn được giữ lại. Vì buổi lễ này nhằm để hai bên gia đình thông báo chính thức với bà con nội ngoại, hàng xóm láng giềng về ngày trọng đại của con mình. Vào ngày này, nhà trai sẽ đem các tráp đựng sính lễ đến ra mắt nhà gái nhằm mong muốn hỏi người con gái về làm vợ làm dâu trong gia đình. Nghi lễ cưới này đánh dấu một bước chuyển đổi quan trọng trong quan hệ hôn nhân, từ đây cô gái được hỏi đã chính thức trở thành vợ chưa cưới của chàng trai mang tráp đi hỏi.
Cách thức tiến hành:
Đối với miền Bắc, lễ vật nhà trai cần chuẩn bị số lễ là lẻ, bao gồm 5, 7, 9 hay 11 lễ. Còn ở miền Nam thì ngược lại, nhà trai phải chuẩn bị số lễ chẵn. Ở cả hai miền, nhà gái đều là người quyết định số lượng lễ cũng như các vật phẩm trong lễ vật. Thông thường, lễ ăn hỏi sẽ gồm trầu cau, rượu, thuốc lá, chè (trà), mứt sen, bánh cốm, hoa quả, xôi, heo quay. Các lễ vật sẽ tùy điều kiện gia đình hai nhà mà chuẩn bị. Ý nghĩa của lễ vật dẫn cưới biểu thị được sự quý mến, tôn trọng của nhà trai đối với nhà gái và cô dâu tương lai.
Vào ngày đẹp đã định sẵn, nhà trai gồm những người lớn tuổi trong họ, bố mẹ chú rể và chú rể sẽ mang tráp đến nhà gái, các tráp này sẽ được bưng bê bởi những thanh niên chưa vợ, đồng thời nhà gái cũng phải có số lượng các thiếu nữ chưa chồng tương ứng để nhận tráp. Trong lễ ăn hỏi, cô dâu diện áo dài truyền thống, còn chú rể mặc vest.
Thủ tục ăn hỏi tiến hành tại nhà gái, có dựng phông rạp, chuẩn bị sẵn trà nước, bánh kẹo để mời họ hàng hai bên. Khi các vị quan khách hai bên đã an tọa, đại diện nhà trai và nhà gái chính thức chào hỏi, cũng như xin phép nhau để cho đôi trai gái được kết duyên. Sau khi hai gia đình đã đồng ý cho đôi uyên ương trẻ tiến tới hôn nhân, bố mẹ sẽ đưa cô dâu chú rể tương lai lên thắp hương, làm lễ gia tiên, báo cáo với tổ tiên nhà gái. Thủ tục cuối cùng là cô dâu và chú rể ra mắt hai họ, rót nước, mời trầu các vị quan khách.
Đây cũng là hai nghi lễ được xem là quan trọng được diễn ra trước đám cưới trong lễ cưới truyền thống và cũng là những bước đầu tiên trở thành người một nhà của hai bạn trẻ.
Vậy trong đám cưới sẽ có những nghi lễ gì?
Sau khi đã hoàn thành hai nghi lễ dạm ngõ và ăn hỏi, hai bên sẽ tiến hành lễ cưới. Lễ cưới được xem là nghi thức đỉnh điểm, bao gồm nhiều thủ tục cần được tiến hành cẩn trọng. Một nghi thức lễ cưới đầy đủ sẽ bao gồm 2 nghi thức sau đây:
Lễ xin dâu:
Lễ xin dâu trong đám cưới truyền thống đã có mặt từ rất lâu đời nhưng đến nay thì có một số gia đình đã bỏ qua để đơn giản hơn trong phong tục cưới hỏi. Theo nghi thức lễ xin dâu này, mẹ của chú rể và một người thân khác (có thể là ba, chú hay bác của chú rể) sẽ mang trầu, rượu đến nhà cô dâu. Tại đây, nhà trai sẽ thông báo giờ đón dâu để nhà gái an tâm, đón tiếp đúng giờ. Thông thường, lễ xin dâu diễn ra rất nhanh gọn, chỉ cách lễ rước dâu vài phút. Khi mẹ cô dâu đã đặt xong trầu rượu lên bàn thờ gia tiên, đại diện nhà trai sẽ quay ra mời cả đoàn rước dâu vào nhà dâu làm lễ.
-> Xem thêm: Nghi thức lễ gia tiên lễ gia tiên trong đám cưới
-> Xem thêm: Ý nghĩa các nghi thức cưới quen thuộc
Lễ rước dâu:
Lễ rước dâu là nghi thức thiêng liêng, đánh dấu cô dâu theo về nhà chồng. Điều cần lưu ý trong lúc rước dâu là nhà trai phải sắp xếp đội hình chỉnh tề. Theo đó, vị trí trưởng đoàn là đại diện nhà trai, tiếp theo là bố của chú rể, rồi đến chú rể, cô dâu và bạn bè…Tùy theo phương tiện di chuyển mà đoàn rước dâu có cách bố trí phù hợp, vì vấn đề này không quá khắt khe. Sau khi đã vào nhà gái, nhà trai được mời an tọa. Hai bên giới thiệu nhau, sau một tuần trà, đại diện nhà trai đứng dậy có vài lời với nhà gái xin chính thức được rước cô dâu về.
Khi được “các cụ” cho phép, chú rể vào phòng trong để trao hoa cho cô dâu, cùng cô dâu đến trước bàn thờ thắp nén hương rồi ra chào bố mẹ, họ hàng hai bên trong bộ áo dài truyền thống trang trọng.
Cha mẹ cô dâu dặn dò đôi vợ chồng trẻ về cách sống, về tình yêu thương, về đạo lý vợ chồng. Sau đó, vị đại diện nhà trai sẽ đáp lời thay chú rể và xin rước dâu lên xe. Nhà gái sẽ cùng theo xe hoa về nhà trai dự tiệc cưới.
Về đến nhà trai, việc đầu tiên là cô dâu và chú rể được cha mẹ dẫn đến bàn thờ để thắp hương để làm lễ gia tiên, rồi chào họ hàng bên chồng. Sau các nghi thức truyền thống tại gia đình hai bên thì đôi vợ chồng mới sẽ dành thời gian để tổ chức tiệc cưới nhằm thông báo tin kết hôn đến với bạn bè gần xa và những người xung quanh đến để chung vui với niềm hạnh phúc mới. Trang phục cưới lúc này là trang phục Âu, cô dâu mặc váy cưới màu trắng và chú rể mặc vest. Các quan khách tham dự cũng sẽ ăn mặc thật đẹp để đến chúc phúc cho hai bên gia đình trong đám cưới.
Nghi thức lễ sau cưới gồm những gì?
Nghi thức cuối cùng của nghi lễ cưới truyền thống Việt Nam đó là lễ lại mặt. Lễ này hay còn gọi là lễ nhị hỷ, diễn ra sau ngày cưới khoảng 1 đến 4 ngày. Vợ chồng cô dâu sẽ quay về thăm nhà gái. Khi đó, đôi phu thê cần chuẩn bị một mâm lễ nhỏ đơn giản như là bánh kẹo, rượu, thuốc để đôi vợ chồng trẻ mang về nhà ngoại với ý nghĩa thành kính, biết ơn đến cha mẹ.. Cô dâu chú rể sẽ ở lại ăn cơm cùng bố mẹ vợ trong ngày này. Và thông thường, lễ lại mặt thường diễn ra buổi sáng, hiếm khi thăm nhà gái vào lúc tối hay chiều muộn.
Nghi thức này mang ý nghĩa như lời nhắc nhở đôi vợ chồng mới cưới về chữ hiếu không chỉ với nhà chồng mà cũng phải quan tâm, chăm sóc tới gia đình nhà vợ. Ngoài ra, nghi lễ cưới lại mặt cũng khiến tâm lý cô dâu thấy thoải mái, dù phải xa gia đình đi làm dâu nhưng vẫn được thường xuyên gặp gỡ cha mẹ và giữ mối quan hệ gắn bó.
Ngày nay, các nghĩ lễ này có thể được biến tấu, lược giản hoặc kết hợp lại cho nhanh gọn. Lễ dạm ngõ có khi chỉ cần là một bữa cơm gần gũi tại nhà cô dâu. Lễ cưới chính thức ngày nay có thể kết hợp cả lễ ăn hỏi, lễ xin dâu và rước dâu. Điều này tùy vào điều kiện sắp xếp của hai bên nhà trai, gái. Điều quan trọng là phải hiểu được ý nghĩa của chúng và thực hiện một cách chân thành, trang trọng.
Ở trên là ba phần chính trong một nghi thức lễ cưới truyền thống Việt Nam cần phải có. Qua bài viết này, Nhẫn cưới Kim Ngọc Thủy (KNT) hi vọng đã giúp được các cặp đôi hiểu thêm về ý nghĩa, trình tự nghi thức cũng như là nét đẹp trong văn hóa cưới hỏi truyền thống của người Việt Nam.